Con Hàng Bói Lởm Và Anh Tổng Mê Tín - Chương 156
“Các con bây giờ lớn rồi, có nhiều quan điểm không giống như bố mẹ hồi trước, nhưng mà chúng ta vẫn là một gia đình, dù thế nào đi nữa thì cũng không thay đổi được điều đó, cho nên, đừng ngang bướng quá, không có bố mẹ nào sống thoải mái khi thấy con mình vất vả hay hư đốn đâu.”
“Vâng.”
Không khí đang chùng xuống thì tiếng dày da va vào nền nhà tạo nên những tiếng lộp cộp, thành công thu hút sự chú ý của hai người.
“Bố, con đến muộn.”
“Không sao.”
“Mẹ thế nào rồi ạ?”
“Vẫn đang ở trong đó chưa ra.”
“Bố có mệt thì về nghỉ ngơi đi, ở đây có anh em con rồi.”
“Không sao, bố muốn nhìn thấy mẹ con bình an ra khỏi đó.”
Sau đó Tùng Anh cũng không nói thêm gì với Hạnh An nữa, ba người một nhà ngồi ở trước phòng cấp cứu, chỉ có tiếng hỏi thăm của Hạnh An và Tùng Lâm. Khi Đỗ Quyên được đẩy ra khỏi phòng cấp cứu là một tiếng sau, bác sĩ nói bà bị đột quỵ, nhưng cũng may đưa đến bệnh viện kịp thời nên giữ được tính mạng, còn tình trạng như thế nào thì phải đợi đến khi bà tỉnh lại mới biết được. Đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm và gây ra tử vong cao, nếu như thuận lợi thoát khỏi cửa tử thì hệ luỵ mà nó để lại cũng rất lớn, có người bị liệt nửa người, thậm chí là trở thành người thực vật. Cho dù bây giờ, khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rất nhiều vào y học thì căn bệnh này vẫn là một bài toán nan giải, tính mạng của con người trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Đỗ Quyên nhanh chóng được đẩy lên phòng VIP để theo dõi, Hạnh An xin phép về trước, cô tắm rửa và nấu vài món mang lên bệnh viện cho bố và Tùng Lâm, sau đó nói hai người về nhà nghỉ ngơi đi, ngày mai lên đây thay cho cô.
“Hai đứa về đi, để bố ở lại cho.”
“Bố có tuổi rồi, về nhà nghỉ đi, đừng để khi mẹ tỉnh lại thì bố lại ngã xuống, anh cũng về đi, ngày mai anh lên thay em. Bệnh của mẹ còn phải theo dõi lâu dài, chúng ta nên thay phiên nhau chăm sóc thì tốt hơn.”
Nghe con gái nói có lý, Tùng Anh cũng không cố chấp đòi ở lại nữa, hai người ngồi thêm một chút rồi ra về.
“Có chuyện gì nhớ thông báo cho bố.”
“Vâng.”
Trong phòng bệnh có một phòng riêng để nghỉ ngơi, nhưng không khí ở bệnh viện cho dù thế nào cũng không bằng được ở nhà, cứ để bố và anh về nhà nghỉ ngơi đi cho khoẻ, dù sao cô cũng còn trẻ khoẻ như vậy, chăm sóc vài hôm cũng không sao đâu.
Căn phòng rơi vào trầm lắng!
Hạnh An ngồi bên cạnh giường bệnh, tay cô nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay đang găm kim chuyền của mẹ, cũng không biết từ khi nào, bàn tay này lại không còn âu yếm, vỗ về cô như lúc cô còn nhỏ nữa. Bàn tay mẹ cô rất đẹp, thon gọn, trắng trẻo, nhưng bây giờ cũng đã xuất hiện dấu hiệu của thời gian, da tay nhăn lại, những đường gân hiện lên rõ rệt, nhưng vẫn mềm mại như trước.
Trong trí nhớ của cô, có lẽ rất lâu rồi, bà chưa từng nằm im nhắm mắt như thế, khuôn mặt mẹ cô thật sự rất phúc hậu, ngũ quan hài hoà, khác hẳn với lúc đối diện với cô.
Hẳn là người đa nhân cách chăng?
Cô nâng bàn tay của mẹ lên, vừa vuốt ve vừa nói:
“Mẹ con chúng ta cứ thế mà lạnh nhạt gần chục năm nay, nhiều lúc mệt mỏi con thật sự muốn chạy về nhà, sà vào lòng mẹ như bao nhiêu người con khác, nhưng cuối cùng vẫn là không thể.
Con không đi theo con đường mẹ vạch ra sẵn, cho nên mẹ không vừa lòng.
Nếu như năm đó, con không từ bỏ mái trường Harvard, thì có lẽ tình cảm của mẹ con mình vẫn rất tốt mẹ nhỉ?
Nhưng mà đó không phải là thứ con thích!
Con không muốn những ngày tháng sau này, lúc nào cũng buồn bã, ủ rũ làm một công việc mà bản thân không có hứng thú, thậm chí là bài xích.
Con chỉ muốn một lần đi theo tiếng gọi của con tim, muốn được làm những thứ mà bản thân cảm thấy vui vẻ, sống một cuộc sống thoải mái, không bon chen tranh đấu, như vậy cũng là sai sao?
Con cố gắng mỗi ngày, chỉ muốn được bố mẹ ghi nhận, vỗ về nói ‘con đã vất vả rồi’ như bao gia đình khác, nhưng lại nhân lại những cuộc cãi vã trong vô vọng.
Con không có ước mơ cao sang như người khác, không thể làm hài lòng mẹ, thậm chí đi ra ngoài, con không dám mở miệng nói con chính là con của bố mẹ, con sợ họ sẽ cười nhạo bố mẹ có một đứa con gái vô dụng giống như con. Thậm chí bây giờ, con cũng không biết mình nên làm như thế nào cả.
Khi nghe điện thoại của bố, con hốt hoảng lắm, so với những nỗi sợ hãi trước đây, thì con lại sợ mẹ rời xa con hơn, con chưa bao giờ tưởng tượng đến ngày mẹ rời xa bọn con sẽ như thế nào, con không muốn đâu. Bây giờ chỉ cần mẹ cố gắng tỉnh lại, mẹ muốn chửi con bao nhiêu cũng được, con sẽ không cãi lại mẹ nữa, được không mẹ?”
Đáp lại những lời nói của cô là không gian yên lặng của căn phòng, thỉnh thoảng tiếng máy móc vang lên ‘tách tách’ như đang an ủi cô vậy. Còn mẹ, vẫn cứ nằm bất tỉnh ở đó, không biết có nghe được cô nói gì không.
Cả đêm đó, cô ngồi bên cạnh giường bệnh ngủ gà ngủ gật, cô không dám vào trong phòng ngủ, vì sợ lỡ như mẹ có chuyện gì, cô ngủ quên, không gọi bác sĩ kịp thời.
Trước khi ngủ cô còn cố tình gọi điện thoại cho quản lý nhà hàng để xin đổi ca vào ngày mai, cho cô làm ca chiều, sợ sáng mai bố chưa đến, để mẹ một mình ở đây cô không yên tâm. Cũng may mà quản lý cũng thông cảm cho cô, một phần vì anh ta biết quan hệ của cô và tổng giám đốc khá thân thiết, hơn nữa tổng giám đốc đã dặn dò phải tạo điều kiện cho cô.