Chiếc Nhẫn Không Có Chủ Nhân - Chương 11
Sân bay một ngày đầu thu.
Lá phong nhuộm hồng sắc thu. Gió thổi hoa bay cành lay động, tựa như tiếng ai cười giòn giã. Trời không mây, âm u, lành lạnh.
Giữa sảnh sân bay nhốn nháo, một cặp vợ chồng ăn mặc quý phái, lịch thiệp cùng cô con gái cá tính của họ tiến ra cửa đón taxi.
Đó là Nguyên cùng chồng con trở về quê hương sau nhiều năm ở Mỹ.
Năm ấy, Nguyên cùng Minh – bạn trai mình sang Mỹ du học rồi kết hôn. Cả hai có với nhau một đứa con gái. Hai vợ chồng lập nghiệp tại nơi đất khách được một thời gian. Đến khi cô con gái mười bảy tuổi, họ quyết định trở về quê nhà, cho con gái học lớp mười hai trường Việt vì không muốn con quên tiếng mẹ đẻ.
Con gái của Nguyên tên Đoan Trang – một cái tên mỹ miều. Nhưng tính cách chủ nhân của cái tên ấy trái ngược hoàn toàn. Những năm tháng học trường Mỹ, người ta luôn nhìn thấy một cô gái năng động với phong cách thời trang bụi bặm. Quần jeans lửng, áo sơ mi cùng giày thể thao, mái tóc cột lệch một bên vai. Cô trung thành với phong cách ấy từ nhỏ cho đến khi lớn lên. Những ngày se lạnh, cô quấn thêm chiếc khăn quanh cổ, đầu đội chiếc mũ len nhưng vẫn không giảm đi nét tinh nghịch vốn có.
Trang tỳ tay lên cửa kính xe taxi, nhìn những con đường, những tòa nhà, những quán cà phê ngoài trời lướt qua tầm mắt mình với vẻ háo hức, lạ lẫm. Thành phố vào thu, cây bắt đầu thay lá, khoác lên chiếc áo đỏ thắm. Từng chiếc lá rơi đều trong cơn gió nhẹ mơ màng. Cô không ngờ thành phố X hiện đại, sầm uất lại đẹp tuyệt dịu như một bức tranh mà không có hoạ sĩ hay nhạc sĩ nào có thể tả hết vẻ đẹp của nó. Những hàng cây trải dài hai bên với sắc đỏ, vàng, nâu xen kẽ. Khi có gió, lá lìa cành bay lượn vài vòng rồi nằm nép mình bên vệ đường.
Trang thốt lên, đôi mắt tròn xoe: “Wow. The city is great. The homeland of Vietnam is so beautiful.”
Nguyên ngồi bên cạnh, nhắc nhở: “Về nước rồi con nên nói tiếng Việt cho dần quen đi nhé. Một lát về gặp ông ngoại, con mà xổ tiếng Anh, ông ngoại không hiểu gì đâu đấy.”
Trang quay người lại, ôm cánh tay mẹ, cười khì: “Sorry mom, con nhớ rồi.”
“Cũng khó trách. Con bé sống ở Mỹ từ lúc mới lọt lòng nên nhiễm thói quen, lối sống, cách giao tiếp của người bên đó cũng là chuyện đương nhiên. Em đừng vội, con bé cần có thêm thời gian để thích nghi.” Minh ngồi ở ghế trước, nghiêng đầu nói.
“Dad is the best.” Trang giơ ngón tay rồi nhìn cái trừng mắt của mẹ, cô xị mặt xuống, ngồi im re.
Minh là người đàn ông yêu vợ thương con. Nguyên là người phụ nữ đảm đang. Cô con gái của họ là đứa trẻ mới tập lớn. Lắm chiêu nhiều trò, tinh quái, nghịch ngợm. Thành tích học tập lại khá í ẹ nhưng được cái thông minh, lanh lợi, không dễ bị người khác bắt nạt. Gia đình ba người họ là tổ ấm hạnh phúc mà ai nhìn vào cũng đều ganh tị.
Cùng thời điểm, Nhân đi xe đạp đến tiệm kim hoàn của Quân giao hàng, gồm nhẫn và lắc tay mà ba cậu đã làm suốt mấy tháng qua.
Nhìn số trang sức trong chiếc túi, Quân tấm tắc: “Chà, tay nghề của ba con càng ngày càng tiến bộ đó. Nghe nói con muốn học theo nghề của anh ấy đúng không?”
“Dạ, nhưng con nghĩ còn lâu con mới được như ba con.” Nhân khiêm tốn.
Quân vừa đếm tiền để đưa cho Nhân vừa hỏi cậu: “Ba con vẫn khỏe chứ?”
“Ba con vẫn khỏe ạ, cảm ơn chú đã quan tâm.” Nhân ngồi xuống ghế mây, trả lời.
“Dạo này chú lu bu quá nên không đến thăm hai cha con được. Thời trẻ, ba con ao ước mở tiệm riêng. Con biết chứ?” Quân bước lại, đặt xuống bàn một phong bì, hỏi.
“Dạ, con biết. Con cũng muốn thực hiện ước mơ của ba con nhưng số tiền mà ông làm ra chỉ đủ ăn đủ mặc, làm gì dư giả để mở cửa tiệm chứ.” Nhân nói với vẻ buồn rầu.
Quân rót trà ra hai chiếc tách, đưa cho Nhân một tách: “Có gì cứ nói với chú, chú sẵn sàng giúp. Chú quen biết nhiều người, có gì chú giúp thuê mặt bằng giá rẻ cho.”
“Sao có thể? Chú giúp gia đình con nhiều quá rồi, con còn chưa biết làm gì để đền đáp chú đây.”
Quân khoát tay: “Đền đáp gì chứ? Năm xưa ba con đã cứu chú từ trong biển lửa. Những việc làm của chú đâu sánh bằng ân đức cứu mạng đó.” Quân rơi vào trầm ngâm: “Con biết không cuộc đời này, đau khổ nhiều hơn hoan lạc. Sự sống tuy khiến người ta cảm thấy khổ sở, nhiều lúc nghiệt ngã, nhưng những gì tốt đẹp nhất chỉ có sống mới có thể trải qua, chỉ có sống mới cảm nhận được. Vì thế chú luôn ghi nhớ ơn cứu mạng của ba con.”
Nhân thừ người, chìm vào suy tư cùng Quân. Rất lâu sau, cậu lên tiếng, bông đùa: “Chú không sợ sau khi mở tiệm, con cướp hết khách của chú à?”
Quân đáp: “Như vậy chú còn mừng. Làm ăn chân chính thì sợ gì mất khách.”
Nhân gật gù rồi cậu cầm phong bì đứng lên khỏi ghế: “Vậy khi nào cần, con sẽ nhờ chú. Giờ con về đây ạ.”
“Ờ được. Con về.” Quân nhìn theo bóng chàng thiếu niên, lẩm nhẩm nhận xét: “Thằng bé coi vậy mà hiếu thảo.”
Lúc này trên con phố tấp nập xe cộ.
Mải mê nhìn hai bên đường để xem có nhà nào đề bảng thuê mặt bằng không mà Nhân đụng phải chiếc taxi chở gia đình Nguyên. Chiếc ô tô phanh gấp còn Nhân cùng chiếc xe đạp của mình ngã xuống đường. Tuy không bị xây xát gì nhưng mông cậu đau ê ẩm.
Trang là người đầu tiên tung cửa chạy ra: “Sorry, are you okay?”
Nhân ngước lên, còn chưa nói gì đã chạm phải đôi mắt to tròn long lanh khiến cậu ngây người. Tim đập hẫng đi một nhịp. Trái tim của cậu chầm chậm tan chảy bởi một người xa lạ, rất mềm mại, rất ấm áp. Linh cũng là con gái nhưng cậu không hề có cảm giác này – cái cảm giác mà cậu đang từ từ chạm vào bông hoa tình ái.
Tiếng xe ồn ào trên đường làm Nhân bừng tỉnh. Cậu đứng dậy dựng xe đạp lên. Tưởng Trang là người ngoại quốc nên cậu đáp trả bằng tiếng Anh một cách trôi chảy.
“I’m fine. I just had a little pain.”
Hai vợ chồng Nguyên ra khỏi xe, bước lại gần Nhân. Nguyên nói: “Chúng tôi là người Việt. Con không bị thương chứ, có cần đi bệnh viện không?”
Nhân lắc đầu xua tay: “Không cần đâu ạ. Là lỗi của con, do con đi mà không nhìn đường nên mới đụng phải xe cô chú. Con thành thật xin lỗi.” Cậu cúi gập người.
Minh nhẹ giọng nhắc nhở: “Không sao là tốt rồi. Lần sau nhớ đi cẩn thận nhé.”
“Dạ. Con xin phép.” Nhân cúi đầu chào hai vợ chồng Nguyên, chào cả Trang rồi lên xe phóng đi.
Trang đứng tần ngần trông theo, vẻ tiếc nuối. Đến khi Nhân rẽ sang con đường khác, cô mới bừng tỉnh cơn mê, quay đầu thấy ba mẹ mình đã ngồi vào trong xe tự lúc nào.
Chiếc taxi tiếp tục chạy bon bon trên đường. Trang ngồi im lặng, hướng mắt ra ngoài cửa sổ. Giọng ca líu lo mọi ngày nay im ắng lạ thường. Thấy vậy ba cô trêu: “Hình như có người vừa trúng mũi tên của thần Cupid thì phải.”
“Ba này, chọc con hoài.” Trang đỏ mặt, lấy tay ôm hai má mình.
Nguyên mỉm cười: “Thằng bé lúc nãy nói tiếng Anh khá lưu loát lại lễ phép. Không biết con cái nhà ai mà được giáo dục tốt như thế.”
“Phải đó.” Minh đồng tình: “Không biết nó có bị gì không nữa mà cứ thấy nó xoa mông nhăn nhó.”
Trang trầm mặc, suy nghĩ gì đó lung lắm đến mức mẹ cô phải cất giọng: “Con đang nghĩ gì thế?”
“Con… đâu có…” Cô không dám nói mình đang nghĩ về chàng trai xa lạ vì sợ ba mẹ trêu, cô hắng giọng: “Con… đang nghĩ không biết ông ngoại trông ra sao nhỉ? Chắc ông đẹp lão, đúng không mẹ? Cho nên mẹ con mới đẹp như vậy, còn con thì xấu như ma.” Cô chu môi.
Nguyên xoa đầu con gái: “Ai nói thế? Con gái của mẹ tuy không lộng lẫy như công chúa nhưng cũng dễ thương, đúng không ba nó?”
Minh nói: “Dễ thương thôi chưa đủ còn phải dịu dàng và biết nấu nướng. Con gái mà dữ dằn như vậy mai mốt không lấy được chồng thì đừng có khóc nhé.”
“Con sẽ ở vậy để ba mẹ nuôi.” Trang vòng tay qua ôm người mẹ.
“Ba chỉ nuôi mẹ thôi, con tự nuôi bản thân đi.”
Trang hứ rõ mạnh: “Ba thật xấu tính.”
Vẻ mặt hờn dỗi của cô con gái cưng làm vợ chồng Nguyên không nhịn được cười. Nhìn gia đình họ vui vẻ, người tài xế cũng vui lây.
Chiếc xe chở gia đình họ dừng lại trước cổng của một căn biệt thự.
Vừa bước chân qua thềm nhà, Nguyên đi vội về phía ba mình, sà vào lòng ông như ngày còn thơ bé. Chủ xưởng – người đàn ông khỏe mạnh ngày xưa giờ đã già lụ khụ, tóc bạc phơ nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn.
“Con xin lỗi, bọn con kết hôn mà không nói cho ba biết.” Nguyên thút thít, áy náy khi thời gian qua không về nước một lần.
“Không sao, về là tốt rồi.” Người đàn ông hấp háy đôi mắt già nua, rưng rưng xúc động vì hạnh phúc.
Nguyên kéo tay Trang lại gần: “Đây là con gái bọn con, con bé tên Trang. Chào ông ngoại đi con.”
Trang vòng tay, lễ phép: “Con chào ông ạ!”
“Ngoan lắm.” Ông ngoại xoa đầu Trang, cười hiền từ.
Lúc nãy trên đường về nhà, Trang cứ nghĩ ông ngoại là một ông già khó tính vì ba mẹ cô kết hôn mà chẳng nói một lời cũng chẳng về thăm nhà dù chỉ một lần nhưng khi tiếp xúc với ông, cô mới biết mình đã nghĩ sai. Ông ngoại cô hiền hậu như ông tiên vậy.
Tối đó, cả nhà Nguyên quây quần bên mâm cơm sum vầy. Ánh sáng từ những vì sao hắt lên ô cửa sổ. Gió nhẹ nhàng khẽ rung cánh cửa.
Nguyên nói trong bữa ăn: “Ba định mở lớp dạy nghề hả ba? Con thấy ba đề bảng nhận học viên ở ngoài cổng.”
“Phải. Gần đây có nhiều người tới xin học, thay vì tuyển thợ ba quyết định mở lớp dạy tạo điều kiện cho những ai đam mê nghề kim hoàn. Rồi sau khóa học, những học viên xuất sắc sẽ trở thành thợ chính thức. Hai tuần nữa sẽ khai giảng lớp học.” Ông đáp.
“Ba có cần con giúp gì không?” Nguyên hỏi.
“Con phụ trách việc bếp núc, nấu nướng cho lũ học trò là được rồi.”
“Xưởng kim hoàn nhà mình nổi tiếng vậy chắc chắn sẽ có nhiều học viên đăng ký, ba nhỉ?” Minh nói rồi quay sang Trang: “Con gái, mai mốt con có muốn nối nghiệp ông ngoại không?”
Trang dẩu môi đáp: “Con chỉ thích thiết kế thôi chứ không muốn làm thợ đâu.”
Ba cô là họa sĩ nổi tiếng, mẹ cô là nghệ sĩ dương cầm trứ danh. Cô biết vẽ nhưng không đi theo nghề của ba. Cô biết chơi đàn nhưng không chọn con đường của mẹ. Từ nhỏ cô ấp ủ một giấc mơ đó là tạo thương hiệu trang sức riêng. Nhưng đó là chuyện sau này, chuyện quan trọng bây giờ là cô phải hoàn thành năm cuối cấp.
Sáng hôm sau, Nguyên làm thủ tục nhập học cho cô con gái tại trường cấp ba nơi Nhân từng học. Một tuần sau, lễ khai giảng năm học mới diễn ra nhưng Trang lại dậy trễ. Lễ khai giảng kết thúc, cô mới vác mặt đến trường.
Trang đứng giữa sân trường, cô nhìn bao quát, lẩm nhẩm: “Trường rộng lớn thế này, lớp mình nằm ở đâu?”
Sau hơn nửa tiếng tìm lớp bao gồm cả việc đến nhầm phòng và nhận tràng cười chế giễu từ đám học sinh, cuối cùng Trang cũng tìm được đúng phòng.
Cô rụt rè bước vào, giới thiệu mình với thầy giáo. Thầy lật bảng danh sách, hỏi: “Em là học sinh mới chuyển trường đúng không?”
“Dạ đúng ạ.” Trang lí nhí, sợ thầy quở trách về tội đi học trễ nhưng thầy chỉ hạ giọng nhắc nhở bảo cô lần sau không được đến trễ nữa.
Chỉ đợi có thế, Trang thở phào nhẹ nhõm, tự tìm chỗ ngồi như thầy yêu cầu. Cô lướt mắt một vòng khắp lớp rồi tiến đến bàn cuối – nơi Linh đang ngồi một mình.
“Chào cậu, mình ngồi được chứ?”
Linh rời mắt khỏi trang sách, ngước lên nhoẻn miệng cười: “Tất nhiên, rất vui được biết cậu.”
Trang để cặp lên bàn rồi ngồi ghế cạnh bên. Cô nhìn người bạn cùng bàn, xuýt xoa nghĩ thầm. Cậu ấy đẹp thật đó, không trang điểm mà vẫn đẹp một cách tự nhiên. Đôi mắt hai mí, lông mi cong vút, sống mũi thẳng cả đôi môi trái tim kia nữa. Từng đường nét trên gương mặt cậu ấy như được đúc ra vậy. Một pho tượng hoàn mỹ.
Nhận thấy có người nhìn mình chằm chằm, Linh quay qua tròn mắt: “Sao thế? Mặt mình dính gì hả?”
Trang lắc mái tóc: “Không có. Mình thấy cậu thật đẹp, như hoa hậu ấy.”
Linh mím môi: “Cậu quá lời rồi.”
“Mình nói thật đó.”
“Cậu cũng xinh mà.”
“Không đâu. Để mình kể cho cậu nghe chuyện đau lòng này, có lần mình lấy phấn trang điểm của mẹ đánh lên mặt. Ba mình phát hiện và nói ‘Cho dù con có trét lên mặt bao nhiêu lớp phấn đi chăng nữa thì con cũng không đẹp bằng mẹ con đâu.’” Kể xong cô phụng phịu nằm nhẹp xuống bàn, thở dài thườn thượt.
Linh chợt buột miệng: “Vẻ đẹp của một con người không nằm ở bên ngoài, nó là ánh sáng đến từ nội tâm.”
Ở cô gái này có thứ gì đó rất hấp dẫn, không phải vì cô quá nổi bật mà vốn dĩ có những người từ lúc mới sinh đã có sẵn khí chất cao sang, quyền quý ấy rồi. Nếu cô mang vẻ đẹp trong sáng, thanh thuần như đóa hoa nở rộ dưới ánh mặt trời thì Tranh chính là vạt cỏ mạnh mẽ giữa dòng đời. Vì tính cách thân thiện, cởi mở nên hai cô gái nhanh chóng trở nên thân thiết. Vào thời điểm ấy, mọi thứ thật đẹp đẽ và nguyên vẹn nhưng cũng rất mong manh, dễ vỡ.
Ngoài việc làm lớp trưởng, Linh còn dẫn chương trình cho các buổi văn nghệ hay các sự kiện quan trọng. Đặc biệt cô làm thơ rất hay, có nhiều bài thơ đăng lên tạp chí học đường phát hành mỗi tháng một số. Đám con trai phát cuồng lên vì mấy bài thơ của cô. Xinh đẹp, rạng ngời, Linh nhận được rất nhiều thư tình.
Trang nhìn đống thư và hoa hồng chất cao như núi để trên bàn ở trong phòng giáo vụ, kinh ngạc: “Tất cả đều là gửi cho cậu sao? Cậu sướng thật đấy, mình từ nhỏ đến lớn chưa hề biết thư tình là gì.”
“Mình không quan tâm đâu.” Linh nói, mở tủ đồ lấy ra bộ đồng phục đưa cho Trang.
Cô bạn ôm bộ đồng phục vào lòng, hỏi tiếp: “Cậu không hồi âm ai hết sao? Hay là cậu có người để thích rồi?”
Mặt Linh ửng đỏ. Cô bối rối lắc đầu: “Không có.”
“Nói dối.” Trang dòm bạn mình, lật tẩy: “Nếu không sao mặt cậu đỏ lên? Chắc chắn cậu có người để thích nên cậu mới không hồi âm đống thư từ này. Kể mình nghe đi mà, mình muốn biết thêm về cậu.”
Trang năn nỉ mãi, Linh cũng tiết lộ một chút: “Anh ấy từng học ở đây nhưng mới vừa tốt nghiệp ra trường rồi.”
Trang thở dài tiếc rẻ: “Tiết thật. Mình thật sự muốn biết mặt mũi của người đó – người mà khiến cô gái xinh đẹp, tài năng nhất trường ngày nhớ đêm mong.”
“Về lớp thôi.” Linh nói rồi đi ra khỏi phòng giáo vụ. Trang tò tò bước theo sau.
Nhìn bóng lưng cô gái mỏng manh như chiếc lá, Trang có cảm tưởng như chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua sẽ cuốn bay mất chiếc lá ấy. Cô bước lên, đi song song cạnh Linh. Cô muốn tìm hiểu nhiều hơn về người bạn này nhưng Linh chẳng hé răng dù chỉ nửa lời. Mãi cho đến một buổi chiều tan học, ánh nắng hanh hao xuyên qua vòm cây nhảy nhót theo hướng gió. Mùi lá non xanh rờn, hương hoa nồng đượm phảng phất trong không khí.
Trang đeo cặp lên vai chạy theo Linh ra khỏi lớp học. Cô đề nghị: “Chúng ta về chung đi.”
“Mình không muốn về nhà.”
Câu nói nhẹ nhàng của Linh làm Trang giật thót tim. Cô há mồm: “Đừng nói với mình là cậu bỏ nhà đi bụi nhé.”
“Không.” Linh bước đều: “Mình muốn đi đâu đó để giải khuây. Cậu đi cùng mình không?”
“Đi.” Trang gật đầu chắc nịch.