Bạch Y Dưới Khóm Quỳnh Hoa - Chương 2: Hoa quỳnh trong tranh vẽ
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Trung thu. Dân làng lại có dịp quây quần bên nhau, treo đèn kết hoa. Nam nữ trong làng nhảy múa ca hát, kết duyên dưới ánh trăng. Người người nhà nhà cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bọn trẻ con thì càng háo hức chờ đợi. Khi ánh trăng tròn vành vạnh tỏa sáng khắp núi rừng cũng là lúc chúng được thỏa sức vui đùa, thắp lên những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu tự tay chúng làm nên.
Hạo Phong nhìn bọn trẻ quây quần bên nhau làm lồng đèn với đủ hình dáng, màu sắc sặc sỡ, cảm thấy buồn rầu, tủi thân vô ngần. Nhưng cậu chỉ dám giữ trong lòng, không nói cho bà Lý vì sợ bà lo lắng. Cậu buông những thanh tre vừa chặt để làm lồng đèn trên tay xuống, thở dài xuống.
Bà Lý thấy vẻ ủ rũ hiện rõ mồn một trên mặt cậu, bèn tới gần hỏi thăm:
“Sao lại thở dài rồi? Nói bà nghe xem con sẽ làm lồng đèn gì nào?”
Hạo Phong ngước nhìn bà, hàng mi dài và rậm rũ xuống buồn bã:
“Hay là thôi đi bà… Con không có bạn bè. Làm lồng đèn rồi con cũng chỉ chơi có một mình…”
Bà Lý ngồi xuống bên cậu, vỗ về:
“Dù cho có bị cả thiên hạ xa lánh ghét bỏ, thì con cũng không được đối xử tệ với chính mình. Niềm vui là do bản thân con tạo ra. Ngay cả con cũng không yêu lấy mình, thì còn ai yêu mến con nữa, đúng không? Con nhìn mặt trăng kia mà xem. Thực chất nó chỉ là một thiên thể vô tri vô giác, thân mình loang lổ, xấu xí. Nhưng ánh sáng mỹ lệ của nó đã làm say đắm biết bao nhiêu người. Con có bao giờ tự hỏi vì sao mặt trăng lại tỏa sáng không? Mặt trăng vốn dĩ không thể tự mình tỏa sáng, mà phải nương nhờ vào ánh mặt trời mới có được ánh sáng thanh dịu như thế. Cũng như con, nếu không có vẻ ngoài ưa nhìn, thì chỗ này…”
Bà đưa tay chạm vào lồng ngực, nơi cất giữ trái tim cậu, rồi nói tiếp:
“Chỗ này sẽ là ánh sáng giúp con đến gần với mọi người.”
Hạo Phong buồn bã lắc đầu:
“Nhưng con không biết làm thế nào để mọi người quên đi gương mặt xấu xí này… Con không muốn đeo nó nữa…”
Bà Lý mỉm cười đưa cho cậu những thanh tre vừa bị quăng xuống đất:
“Con hãy tiếp tục làm chiếc lồng đèn mà con mong muốn. Dù đẹp hay xấu, cứ mặc kệ người ta chê cười, hãy vui vẻ theo cách của con. Ngoài những người một mực xa lánh ghét bỏ, chắc chắn vẫn có người yêu quý con mà. Nếu con cứ khép mình, thì mãi mãi chỉ chuốc lấy ưu phiền mà thôi.”
Hạo Phong nghe bà nói vậy, mọi lo lắng, tủi hờn tạm thời biến mất. Cậu tiếp tục cặm cụi với chiếc lồng đèn còn dang dở. Rồi như chợt nhớ tới điều gì đó, cậu hỏi bà Lý:
“Bà ơi, con nghe nói, trên núi Đàm Hoa có loài hoa quỳnh rất đẹp. Đặc biệt là vào đêm trăng tròn, nếu được nhìn thấy quỳnh nở hoa, thì mọi điều ước sẽ thành hiện thực, có đúng không bà?”
Nghe cậu hỏi vậy, bà Lý bỗng dưng trở nên trầm ngâm. Ngày xưa, quỳnh là loài hoa phổ biến, thường nở về đêm, rất dễ trồng, mọc khắp Phong Quốc bao la rộng lớn. Nhưng mấy chục năm gần đây, không hiểu sao quỳnh không còn nở hoa nữa. Nơi hoa nở duy nhất chính là núi Đàm Hoa. Nhưng bà cũng chỉ nghe người ta kể lại chuyện đó, không biết thực hư thế nào. Ngày còn bé, bà Lý đã từng nhìn thấy hoa quỳnh, nhưng thời gian trôi qua, bà không còn nhớ rõ hình dáng của loài hoa xinh đẹp nhưng chóng tàn ấy nữa.
Thấy bà im lặng không trả lời, Hạo Phong lại nói tiếp:
“Con muốn làm lồng đèn hình hoa quỳnh. Hoa quỳnh màu trắng, tỏa ánh sáng dịu nhẹ, dưới ánh trăng, chắc chắn sẽ càng xinh đẹp bội phần.”
Bà Lý thắc mắc nhìn cậu:
“Nhưng con chưa từng nhìn thấy hoa quỳnh cơ mà?”
Đôi mắt Hạo Phong bỗng nhiên sáng rỡ, nắm lấy tay bà, háo hức dẫn bà đi đến đầu giường. Cậu lấy một quyển sách cổ ở dưới gối ra, một bức họa kẹp ở giữa những trang giấy đã nhuốm màu thời gian, không biết nó đã nằm ở đó từ bao giờ.:
“Con tìm thấy bức họa này lúc đang đọc sách. Bà xem, có phải hoa quỳnh không ạ?”
Bà Lý nheo đôi mắt già nua nhìn bức họa. Trên trang giấy úa màu là một đóa hoa xinh đẹp tỏa sáng lung linh. Bà lục tìm trong trí nhớ thuở xa xưa, quỳnh hoa thơm ngát một màu trắng thanh cao, bung cánh nở bừng lên trong đêm tối, đung đưa theo gió thành những vũ điệu uyển chuyển ngất ngây lòng người. Nhưng loài hoa sớm nở tối tàn này dù có đẹp đến bao nhiêu cũng chỉ mang lại sự mất mát, thương đau. Bà thở dài gấp bức họa lại, lắc đầu:
“Không phải quỳnh đâu con.”
Trong đáy mắt Hạo Phong ngập tràn nỗi thất vọng. Cậu đón lấy bức họa trong tay bà, tiếc nuối mở ra, ngắm thật kỹ, chỉ mong bà nhìn nhầm mà thôi.
Thế rồi, tia hy vọng tưởng như đã tắt, bỗng dưng lại sáng bừng lên trong đôi mắt của cậu. Một dòng thơ viết bằng mực đen, tuy chữ đã phai màu theo thời gian nhưng vẫn còn đọc được hiện ra dưới góc bức hoạ:
“Quỳnh hoa như mộng mờ nhân ảnh
Trắng tựa tiên, thoát hồng trần.”
Cậu vui mừng nói với bà:
“Đây đúng là hoa quỳnh rồi! Bà ơi, trên bức họa có ghi này!”
Bà Lý nhìn những dòng chữ Hạo Phong vừa chỉ, biết là không lừa được cậu, liền nói:
“Hoa quỳnh sớm nở tối tàn, không được may mắn. Hay con làm đèn hình mặt trăng, ngôi sao nhé.”
Hạo Phong lắc đầu nói:
“Không đâu. Trăng và sao xa quá, không thể với tới. Hoa quỳnh thì có thể chạm vào. Tuy chỉ là những phút giây ngắn ngủi, nhưng sẽ làm ta vương vấn không nguôi.”
Bà vẫn cố thuyết phục cậu:
“Nhưng hoa quỳnh đã biến mất rồi. Sự thật về quỳnh nở trên núi Đàm Hoa cũng chỉ là lời đồn thôi.”
Hạo Phong mặc kệ lời khuyên của bà, vẫn khăng khăng như cũ:
“Con sẽ đi kiểm chứng! Một ngày nào đó, con sẽ tận tay chạm vào chúng! Con mong muốn nhìn thấy quỳnh nở hoa dưới ánh trăng, chắc chắn sẽ xinh đẹp, rực rỡ hơn hoa trong bức họa này nhiều.”
Bà Lý thấy cậu hào hứng như vậy thì không nỡ làm cậu thất vọng, đành thở dài chiều theo.
Thế là Hạo Phong mất cả ngày trời để làm nên chiếc lồng đèn hoa quỳnh có một không hai, háo hức chờ đợi đêm trăng rằm sẽ được thắp nến dạo chơi cùng trẻ con trong làng.
Cuối cùng Trung thu cũng đến. Mặt trời dần khuất bóng sau núi Đàm Hoa. Chim chóc rủ nhau quay về rừng tìm chốn nghỉ. Khi đêm buông màn cũng là lúc ánh đèn rực rỡ khắp làng, làm sáng bừng cả một vùng rừng núi âm u lạnh lẽo.
Hạo Phong cầm trên tay chiếc đèn lồng hoa quỳnh, liếc nhìn xung quanh, thấy bọn trẻ con ai nấy cũng có đèn lồng rực rỡ đủ màu sắc, hình dạng. Nào là thỏ, nào là bươm bướm, nào là ngôi sao, mặt trăng… Duy chỉ có lồng đèn của cậu là mang một màu trắng thuần khiết khác lạ. Màu trắng vốn dĩ không nổi bật, đứng giữa muôn vàn màu sắc khác bỗng trở nên thu hút lạ thường.
Mọi người nhìn một đứa trẻ chỉ sáu, bảy tuổi, mang một vết sẹo dữ tợn, mặc y phục màu trắng tinh, đèn lồng trên tay cũng mang sắc trắng, nụ cười bỗng dưng tắt ngúm. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về phía cậu, một người la to:
“Gương mặt đã xấu như dạ xoa, đang đêm tối lại mặc một bồ độ trắng. Bộ muốn dọa chết mọi người hay sao?”
Một người nữa tiến lên hùa theo:
“Tại sao lại làm lồng đèn màu trắng? Màu trắng là tang thương, mất mát, mày muốn trù ẻo dân làng đúng không?”
Ngay lập tức bốn phía nhao nhao tiếng bàn tán của mọi người. Hạo Phong nắm chặt chiếc lồng đèn trên tay, mím môi hứng chịu sự chỉ trích của dân làng. Cậu chỉ làm chiếc đèn mà mình thấy thích nhất, không hề nghĩ tới việc nó mang màu sắc cấm kỵ trong một ngày hội vui tươi như vậy.
Bà Lý thấy cả làng hùa vào ức hiếp một đứa trẻ, nổi giận lao tới, quát lớn:
“Ai nói màu trắng là màu của tang tóc? Các người không nhận thấy khi thắp nến lên, thì chiếc lồng đèn hoa quỳnh này trông rất giống mặt trăng sao? Hôm nay là đêm hội trăng rằm, mặt trăng chính là nữ hoàng của bóng đêm. Trên trời có trăng tròn, dưới đất có hoa quỳnh. Hãy nhìn ánh sáng của trăng xem, chắc chắn năm nay dân làng sẽ có một mùa màng bội thu.”
Bà lại nói:
“Hoa quỳnh còn tượng trưng cho sự chung thủy sắc son. Đây chẳng phải là dịp để các đôi uyên ương tìm thấy nhau, cùng kết duyên sao? Dưới ánh trăng tròn, nhìn thấy quỳnh hoa, ước nguyện viên mãn. Tuy đây chỉ là chiếc lồng đèn bằng giấy, nhưng đứa cháu nhỏ của tôi, đã gửi gắm toàn bộ tâm tư vào đó.”
Mặc kệ bà Lý có buông lời giải thích, tiếng nhao nhao càng lớn dần hơn. Hạo Phong cúi mặt buồn bã, cậu cảm thấy hối hận tột cùng khi không nghe lời bà, làm theo ý mình để rồi chuốc lấy những lời khinh miệt sỉ vả của mọi người.
Không khí vui tươi trong đêm Trung thu cũng vì vậy mà trở nên căng thẳng. Bỗng dưng giọng nói của một người đàn ông vang lên khiến cho tiếng bàn tán lao xao lắng xuống:
“Tất cả im lặng đi!”
Mọi người quay lại, thấy một ông lão chống gậy chen qua đám đông. Râu tóc ông lão bạc phơ, làn da đồi môi nhăn nheo, nhưng đôi mắt vẫn sáng và tinh anh. Vẻ mặt ông nghiêm nghị nhìn khắp một lượt. Ai nấy đều cúi đầu kính trọng:
“Trưởng làng…”
Ánh mắt ông lão đanh lại, giọng nói đầy uy lực:
“Già trẻ lớn bé, nam nữ trong làng, hùa nhau ăn hiếp một đứa trẻ… Các người đã không còn xem lệ làng ra gì rồi đúng không?”
Lão vừa nói vừa nện gậy xuống mặt đất, tuy chỉ là một ông lão già nua nhưng uy lực từ chiếc gậy có thể làm ai nấy đều nghe tiếng đất rung chuyển dưới chân. Mọi người bị trưởng làng quở trách, đều cúi mặt lặng im không dám hó hé câu nào.
Trưởng làng đi đến gần Hạo Phong, tiếp tục nói:
“Từ xưa chúng ta đã có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Vậy mà giờ các người đang làm cái gì? Đứa trẻ này chẳng may sinh ra với bộ dạng xấu xí, nó có làm gì nên tội chưa? Nó có đáng bị đối xử như vậy không?”
Không khí im lặng vẫn bao trùm. Lão lại nói:
“Từ hôm nay, tất cả mọi người dân trong làng không ai được khinh ghét Hạo Phong. Không chỉ Hạo Phong, bất cứ ai đối xử tệ bạc với đồng loại của mình, sẽ bị trục xuất khỏi làng.”
Một người la lên, phá tan bầu không khí im lặng:
“Nhưng nó muốn trù ẻo chúng ta, làm chiếc lồng đèn mang màu tang tóc. Nếu chẳng may năm nay mất mùa thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”
Trưởng làng nhìn chiếc lồng đèn hoa quỳnh Hạo Phong cầm trên tay, nhẹ giọng nói:
“Chỉ là một chiếc lồng đèn, sẽ không làm hại ai. Hơn nữa, vào đêm trăng tròn, nhìn thấy hoa quỳnh sẽ đem lại may mắn. Tuy là một chiếc lồng đèn bằng giấy, nhưng ta tin là chúng ta sẽ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các người hãy nhìn ánh trăng trên trời đi, to tròn vành vạnh, ánh vàng tỏa sáng khắp thiên không. Đó chẳng phải là điềm báo tốt lành hay sao?”
Trưởng làng vừa dứt lời, mọi người đồng loạt nhìn lên cao, đúng là mặt trăng vừa to vừa tròn, tỏa sáng khắp một khoảng trời. Ánh trăng đẹp dường như làm tâm trạng của tất cả đều trở nên vui vẻ. Thế là người dân trong làng không ai chú ý tới chiếc lồng đèn của Hạo Phong nữa, cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của trăng rằm.
Bỗng dưng một bé gái mặt mũi xinh xắn từ đâu chạy tới, nắm tay Hạo Phong tươi cười hỏi:
“Cùng đi rước đèn không?”
Lần đầu tiên trong đời có một đứa trẻ cùng tuổi rủ mình đi chơi, Hạo Phong cảm động đến mức hai mắt rưng rưng. Cậu ngoái nhìn bà Lý, thấy bà mỉm cười dịu dàng, ý bảo cứ đi chơi cho thỏa thích đi. Lúc này, Hạo Phong không giấu được niềm hân hoan, nở nụ cười thật tươi, rồi hòa cùng đám trẻ chạy đi chơi.
Ngày hôm đó, Hạo Phong đã có một đêm Trung thu vui nhất trong cuộc đời.